Hiện nay, người Việt Nam đang tiêu thụ gần 5 tỷ lít nước ngọt mỗi năm, tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua. Nguy cơ của uống nước ngọt nhiều là gia tăng bệnh thừa cân, béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp và tim mạch.
Mới đây Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức hội thảo công bố các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường để phòng chống những bệnh không lây nhiễm.
Người Việt Nam tiêu thụ đường gần gấp đôi theo khuyến cáo của WHO
Tại hội thảo, Tiến sỹ Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đưa ra những thông tin đáng báo động về tình trạng sử dụng đồ uống có đường đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Hiện người Việt tiêu thụ gần 5 tỷ lít nước ngọt trong mỗi năm, dự kiến năm nay tăng lên hơn 5 tỷ lít nước ngọt, tỷ lệ tiêu thụ theo đầu người đã tăng lên nhanh chóng, gấp 7 lần trong vòng 15 năm qua, nhiều nhất là các thức uống trong đời sống như: trà uống sẵn, nước có ga, đồ uống thể thao, nước tăng lực và cuối cùng là nước ép trái cây.
Tiến sỹ Bắc cũng đưa ra khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, lượng đường tự do bao gồm các loại đường đơn, đường đôi được bổ sung vào thực phẩm và đồ uống hoặc đường tự nhiên có trong mật ong, si rô, nước ép trái cây và nước trái cây cô đặc… trong chế độ ăn của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10%, và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe.
Theo đó, đối với một chế độ ăn uống trung bình hằng ngày có chứa 2000 kcal, 10% tổng lượng calo sẽ tương đương với khoảng 50g đường tự do hoặc khoảng 12,5 muỗng cà phê. Để có thêm lợi ích sức khỏe, nên giảm tiêu thụ lượng đường này xuống dưới 5% tổng lượng calo mỗi ngày, tương đương với khoảng 25gam đường tự do hoặc khoảng 6 muỗng cà phê.
Tại Việt Nam, hiện trung bình một người dân tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa là 50g một ngày và cao gần gấp đôi so với mức nên tiêu thụ mỗi ngày và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ là dưới 25g một ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Một điều tra về mức sống của các hộ gia đình tại Việt Nam vào năm 2014 cho thấy, gần 63% số hộ gia đình có tiêu dùng nước giải khát, nước ngọt mỗi ngày trong khi nếu một ngày một đứa trẻ chỉ uống 1 lon hoặc chai đồ uống có đường thì cũng đã tiêu thụ lượng đường tự do vượt quá ngưỡng khuyến cáo rất nhiều: 1 lon nước ngọt phổ biến hiện nay có khoảng 36g đường tự do. Trên 57,2 % người có thói quen uống nước ngọt có ga ít nhất từ 3 đến 4 lần/ tuần. 13% còn lại thuộc về nam giới có nhu cầu uống nước ngọt có ga mỗi ngày. Đối với các học sinh, điều tra của Trường Đại học y tế công cộng tại hai trường Trung học Phổ thông trên địa bàn Hà Nội vùng ngoại thành và nội thành cho thấy, mức độ thường xuyên uống nước ngọt cao nhất là 1 đến 2 lần/ tuần, học sinh nam tiêu thụ nhiều hơn nữ, Học sinh ngoại thành tiêu thụ nhiều nước ngọt hơn học sinh nội thành.